Tìm kiếm

TIN TỨC

Tôi không khỏi bị tổn thương cho nghề

Thứ sáu, 24/10/2014, 14:00 GMT+7


Khi có luật sư bị kết tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (liên quan hay không liên quan đến hoạt động nghề nghiệp luật sư) bởi bản án có hiệu lực pháp luật thì dẫu biết rằng trong nghề nào, lĩnh vực nào cũng có một số tiêu cực nhưng tôi cũng như đồng nghiệp khác vẫn không khỏi bị tổn thương cho nghề, cho giới của mình. 

Nguyên nhân mà có luật sư bị kết tội hình sự lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bởi bản án có hiệu lực pháp luật thì có nhiều nhưng trước tiên và quan trọng hơn hết là do luật sư đó lấy mục tiêu vật chất là chủ đạo trong việc hành nghề, cố ý vi phạm pháp luật hình sự.

Tuy nhiên theo tôi, cũng nên lưu tâm đến những nguyên nhân khác, dù là khách quan nhưng vẫn có những tác động nhất định trong việc góp phần đưa, đẩy luật sư vào con đường phạm tội hình sự... Chẳng hạn như đến nay tỉ lệ luật sư tính trên dân số còn quá ít, chỉ khoảng 1 luật sư/11.710 dân.

Điều đó dẫn đến hiểu biết của người dân về chức năng, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của luật sư còn hạn chế.

Trong một số trường hợp, có người hiểu sai luật sư chỉ là “cò”, môi giới cho mối quan hệ với người có thẩm quyền (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán...), phải đảm bảo kết quả vụ việc nên đã chủ động nhờ luật sư chạy án, đề nghị luật sư “phải đảm bảo kết quả thắng - thua, không tội, án treo, án thấp...”

Và trong những lúc sao nhãng, xa rời hay có chủ ý lừa đảo, chà đạp công lý, pháp luật, quy tắc, vì mục tiêu vật chất là chủ đạo nên có luật sư đồng tình, đáp ứng hoặc giả bộ đáp ứng yêu cầu trái pháp luật này để nhận tiền của khách hàng.

Có một số quy định pháp luật bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn khiến người thực hiện, người áp dụng hiểu cách này, cách khác đều có thể bị/được cho là sai hoặc đúng, cho là vi phạm hoặc không vi phạm nên dẫn đến cách giải quyết khác nhau. 

Hiện nay, Luật luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành, điều lệ Liên đoàn Luật sư VN, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư VN có nhiều quy định về nguyên tắc hành nghề luật sư; về chức năng, quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của luật sư; nghiêm cấm luật sư không được thực hiện một số hành vi; về những trường hợp luật sư từ chối nhận vụ việc.

Thiết nghĩ, việc luật sư nắm chắc và thực hiện đúng các quy định, quy tắc ấy và thông báo, xác định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của luật sư và khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý ký kết giữa đôi bên là một trong những cách hữu hiệu không chỉ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng, tránh góp phần đưa họ vào con đường phạm pháp hình sự mà còn nâng cao uy tín, danh dự, tránh sa ngã, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người luật sư, giới luật và nghề luật sư. 

Luật sư NGUYỄN BẢO TRÂM (Đoàn luật sư TP.HCM)


Người viết : Luật sư NGUYỄN BẢO TRÂM