Tìm kiếm

TIN TỨC

CẦN THÊM LẮM NHỮNG TRÁI TIM NÓNG!

Thứ hai, 12/08/2013, 09:32 GMT+7

TT - Theo tổng kết năm năm thực hiện đề án toàn dân tham gia phòng chống tội phạm giai đoạn 2006-2010, người dân đã cung cấp gần 5 triệu nguồn tin tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật, giúp các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý kịp thời hàng triệu vụ, trong đó có nhiều vụ án hình sự.


 

Từ năm 2007, Tổng cục Cảnh sát cũng đã mở hòm thư điện tử là togiactoipham@canhsat.vn để đẩy mạnh việc phòng chống tội phạm. Hiện nay, đề án toàn dân tham gia phòng chống tội phạm giai đoạn 2012-2015 vẫn đang thực hiện.

Bên cạnh mặt tích cực đó, thực tế cho thấy việc người dân báo tin, tố giác, cầu cứu cơ quan chức năng khi bị đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự nhưng không được giải quyết hay giải quyết lề mề, không đâu ra đâu không phải ít. Như chuyện chị Nguyễn Thị Sơn đã tố giác, cầu cứu địa phương nhưng vẫn bị người từng sống chung với chị đánh đấm, chửi bới... dài dài (Tuổi Trẻ ngày 2-4); chị Lê Thị Thúy Hằng dù đã tố giác với công an nhưng chưa được can thiệp kịp thời, đúng cách và đã bị giết chết (Tuổi Trẻ ngày 15 và 16-4).

Pháp luật không thiếu

Về cơ bản, hành lang pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự của con người ở nước ta không thiếu. Ví dụ: theo Bộ luật hình sự, người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 103. Người nào cố ý gây thương tích cho người khác tuy dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp như: dùng hung khí nguy hiểm hay có tính chất côn đồ... mà người bị hại có yêu cầu khởi tố thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 điều 104.

Một trong những căn cứ khởi tố vụ án hình sự là tố giác của công dân; tin báo của cơ quan, tổ chức. Công dân có thể tố giác tội phạm với cơ quan tiến hành tố tụng hoặc với các cơ quan khác. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác. Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho cơ quan điều tra bằng văn bản. Cơ quan điều tra, viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước chuyển đến.

Trong thời hạn 20 ngày hoặc hai tháng (nếu vụ việc phức tạp, phải xác minh ở nhiều nơi) kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm phải được gửi cho viện kiểm sát cùng cấp và thông báo cho cơ quan, tổ chức đã báo tin hoặc người đã tố giác tội phạm biết. Cơ quan điều tra phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm. Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của cơ quan điều tra đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Nhưng thực tế thiếu

Trên thực tế việc tiếp nhận, thẩm tra, xác minh, phân loại, xử lý tin báo, tố giác tội phạm không phải lúc nào cũng đúng, đủ như quy định. Cơ quan này chỉ qua cơ quan nọ. Cơ quan kia nhận đơn nhưng không ghi biên nhận, không vào sổ thụ lý rồi để đó, không giải quyết và cũng chẳng báo ai. Cán bộ này trả lời miệng sự việc chưa nghiêm trọng, chỉ là chuyện nhỏ, nội bộ, hàng xóm, yêu đương... nên tự xử đi. Trái lại, cũng có chuyện chỉ là những tranh chấp, nợ nần về dân sự, kinh tế giá trị nhỏ nhưng khi có đơn thưa đã bị cán bộ điều tra cấp trung ương mời làm việc để thẩm tra, xác minh... Những chuyện này không phải là hiếm hoi.

Những việc trên có thể do nhiều nguyên nhân: kế hoạch và lực lượng chức năng phòng chống tội phạm còn thiếu, yếu; quy trình làm việc sơ sài, không rõ ràng; chưa đủ công cụ, phương tiện, trang thiết bị tương ứng hỗ trợ; tiêu cực; thiếu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát; công tác tuyên truyền các quy định về tin báo, tố giác tội phạm và việc tiếp nhận, xử lý các tin này còn nhiều hạn chế... Một trong những nguyên nhân quan trọng nữa là vẫn còn thiếu những trái tim nóng -  biết sốt ruột trước sự lo sợ, khủng hoảng, đau đớn, khổ sở, mất mát của nạn nhân, vẫn còn thiếu những cái đầu lạnh trước sự cám dỗ của tiền bạc, vật chất, trước sự can thiệp, sức ép của người vi phạm và những thế lực bảo kê sự vi phạm và có cái nhìn khách quan, tư duy sắc bén để bảo vệ tới cùng pháp luật.

Bên cạnh đó cũng cần có một quy trình tiếp nhận, phân loại, xử lý tin báo, tố giác tội phạm và phải được công khai, minh bạch trước dân; cần sự làm việc có biên nhận, sổ sách, văn bản chứ không chỉ bằng lời nói thì sẽ “dễ bay mất”; cần sự kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất của cấp hay lực lượng có thẩm quyền về công tác này...

Luật sư NGUYỄN BẢO TRÂM


Người viết : Ls. Nguyễn Bảo Trâm