Tìm kiếm

TIN TỨC

Rắc rối chuyện bí mật đời tư của cá nhân

Thứ bảy, 12/06/2010, 08:39 GMT+7

Chuyện bí mật đời tư của cá nhân, quyền bí mật đời tư được bảo vệ đến đâu, như thế nào không là chuyện riêng của ca sĩ Hồ Ngọc Hà mà đã là vấn đề chung để giải quyết các trường hợp khác bị xâm phạm đến bí mật đời tư.


Đó cũng là chuyện phải cụ thể hóa quyền, nghĩa vụ của giới truyền thông khi phản ánh những thông tin, sự kiện có liên quan đến đời tư của cá nhân.

Hiện nay, chuyện chị X. nâng ngực, anh Y. "có những phút ngoài vợ", ông M. bị bệnh ung thư giai đoạn cuối…, đặc biệt là những thông tin, tư liệu, hình ảnh cá nhân văn nghệ sĩ được thu thập một cách vô tư; được đưa ra bàn luận, đưa lên mạng, phương tiện thông tin đại chúng tràn lan. Có một số người thì cho đó là chuyện thú vị, phải có trong xã hội hiện đại. Thế nhưng không ít người, nhất là những người có chuyện riêng tư vốn là "niềm đau chôn giấu" nay bị phơi bày, bị bàn luận công khai lại bức xúc, cho đó là sự xâm phạm nghiêm trọng đến bí mật đời tư của cá nhân được pháp luật bảo vệ.

Quy định pháp luật: Chỗ mờ, chỗ tối

Cho đến nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về bí mật đời tư là gì, phạm vi của bí mật đời tư là như thế nào, mà chỉ có một số quy định như trong Bộ luật Dân sự (Ðiều 38), Luật Giao dịch điện tử (khoản 2 Điều 46) quy định quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ; việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; thư từ, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn, bí mật và việc kiểm soát các loại này được thực hiện khi pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Riêng Bộ luật Hình sự (Điều 125) có quy định: Người nào có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì tùy trường hợp sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm, phạt tù đến hai năm.

Những khiếm khuyết nói trên đã dẫn đến nhiều quan điểm khác nhau trong việc xác định bí mật đời tư của cá nhân và phạm vi của nó. Điều đáng nói là một khi pháp luật chưa xác định được rõ ràng những khái niệm này thì việc bảo vệ quyền bí mật đời tư, xử lý các trường hợp được xem là xâm phạm bí mật đời tư không khỏi dẫn đến những tranh cãi, bất nhất, không nghiêm minh.

 

Thế nào là bí mật đời tư?

Có ý kiến cho rằng bí mật đời tư của cá nhân được hiểu là những gì gắn với nhân thân con người (thông tin, tài liệu, hình ảnh về cá nhân, việc làm, tình yêu, gia đình, các mối quan hệ… gắn liền với một cá nhân) mà người này giữ kín, không muốn để lộ cho người khác biết. Nói nôm na, bí mật đời tư có thể hiểu là chuyện riêng của người này mà không muốn cho người khác biết. Thế nên bất cứ ai thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư cá nhân người khác (không cần phân biệt những thông tin, tư liệu ấy đang được cá nhân đó giữ bí mật hay đã được cá nhân đó để lộ ra) mà không được sự đồng ý của cá nhân đó đều là xâm phạm bí mật đời tư.

Thế nhưng có không ít ý kiến lại la trời: Hiểu như thế thì hầu như cái gì cũng có thể bị coi là bí mật đời tư của cá nhân bởi phần lớn sự việc, sự kiện xảy ra trong cuộc sống đều xuất phát và gắn liền với cá nhân. Hiểu như thế sẽ không khớp với thực tế, pháp luật và không còn "đất sống, đất viết" cho nhiều người, nhất là nhà báo, nhà nghiên cứu…

Phơi bày nơi công cộng: Không còn bí mật đời tư

Trong hoàn cảnh pháp luật hiện chưa có quy định rõ ràng về khái niệm và phạm vi "bí mật đời tư của cá nhân" thì xét ở góc độ nghĩa của từ ngữ theo từ điển tiếng Việt, bí mật đời tư của cá nhân được hiểu là những gì thuộc về đời sống riêng tư của cá nhân (thông tin, tư liệu…) được giữ kín, không công khai, không tiết lộ ra. Còn nếu các thông tin, tư liệu cá nhân đã được công khai, lộ ra thì không còn là bí mật đời tư nữa. Do đó, cần hiểu bí mật đời tư của cá nhân là những thông tin, tư liệu mà chỉ mỗi cá nhân đó biết và quyết giữ bí mật. Còn nếu đó là chuyện diễn ra nơi công cộng, là chuyện mà cá nhân đó đã để lộ ra cho người khác biết thì không còn là bí mật đời tư nữa.

Lý giải thêm vấn đề này, có ý kiến viện dẫn Thông tư số 09/2005/TT-BCA ngày 5-9-2005 của Bộ Công an quy định về nơi công cộng là: "Các khu vực, địa điểm phục vụ chung cho mọi người như vỉa hè, lòng đường, quảng trường, cơ sở kinh tế, văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng; tại khu vực trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội hoặc tại những nơi công cộng khác".

Trên cơ sở đó, ý kiến này đã cho rằng bất cứ cá nhân nào, nhất là người của công chúng như văn nghệ sĩ mà xuất hiện ở nơi công cộng (như cách hiểu nói trên) và có lời nói, hành động hoặc không hành động gắn liền với việc làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt một sự việc, sự kiện nào đó thì những gì liên quan đến họ không còn là bí mật đời tư nữa. Ví dụ: Nghệ sĩ C nói về một vấn đề riêng tư tại nhà riêng và lưu giữ tại nhà đó thì người khác muốn sử dụng để đăng báo phải xin phép nghệ sĩ đó. Thế nhưng nếu những thông tin đó, nghệ sĩ ấy công khai tại quảng trường, nhà hát thì không còn là bí mật đời tư nữa và nếu người khác thu thập, công bố mà không có ý kiến của người đó thì không xem là xâm phạm bí mật đời tư

Luật sư NGUYỄN BẢO TRÂM,

Công ty Luật TNHH Sài Gòn Luật


Người viết : Luật sư Nguyễn Bảo Trâm