Tìm kiếm

TIN TỨC

Lại chuyện bản sao!

Thứ bảy, 19/12/2009, 08:54 GMT+7

Chuyện bản sao nói hoài vẫn chưa hết phiền lòng. Xin giới thiệu dưới đây hai ý kiến, một của người trong cuộc, một của luật sư để bạn đọc tham khảo.

Bị buộc nộp bản chính bản án

Tôi đến cơ quan thi hành án dân sự huyện nộp đơn yêu cầu thi hành án, kèm theo bản sao bản án có chứng thực của UBND cấp xã. Cơ quan thi hành án từ chối tiếp nhận với lý do bản án phải do tòa án đã tuyên cấp mới hợp lệ.

Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18-5-2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký đã quy định rất rõ. Theo đó, bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính đều có giá trị pháp lý sử dụng thay bản chính trong các giao dịch; UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt. Như thế, việc cơ quan thi hành án huyện không chấp nhận bản sao bản án do UBND cấp xã chứng thực là không đúng


Luật sư Nguyễn Bảo Trâm - Lệ Thu (công ty luật TNHH Sài Gòn Luật)

Trả Lời:

Qui định gây khó dân.

Nộp bản chính bản án khi làm thủ tục yêu cầu thi hành án: chuyện tưởng nhỏ lại hóa lớn khi quy định pháp luật không rõ ràng.

Theo điều 28, 29 Luật thi hành án dân sự có hiệu lực từ ngày 1-7-2009, tòa án phải chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan thi hành án ngay lập tức hay trong thời hạn nhất định (15-30 ngày), tùy theo từng loại việc cụ thể. Điều 31 quy định khi làm thủ tục yêu cầu thi hành án, ngoài đơn, người yêu cầu còn phải gửi kèm theo bản án.

Việc luật không nêu rõ đã làm không ít người hiểu rằng bản án nộp kèm đương nhiên phải là bản chính. Với cách hiểu này, tuy có cơ sở pháp lý nhưng gây lãng phí cho xã hội và gây khó khăn cho đương sự.

Bởi thực tế, đương sự thường chỉ được tòa án giao cho một bản chính bản án, nếu phải nộp thì sau này có việc cần sử dụng họ chỉ có một cách là phải đến tòa án đó để xin lại, nhưng thường chỉ được cấp bản sao hoặc bản trích lục mà thôi. Việc này sẽ trở nên vất vả hơn cho những người ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo...

Chẳng hạn như người ở Cà Mau mà có vụ kiện do tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM giải quyết, mỗi khi cần bản chính hay bản sao có mộc đỏ của tòa, họ phải lặn lội về TP.HCM ít nhất hai lần để làm thủ tục xin cấp và nhận các văn bản này.

Mặt khác, trong không ít trường hợp, bản chính bản án, quyết định của tòa án "cần được sống bên đương sự trọn đời". Ví dụ: doanh nghiệp cần lưu giữ bản chính các văn bản đó để làm hồ sơ, lý lịch cho quyết toán, giải trình các vấn đề về tài chính, chuyển đổi, mua bán, sáp nhập, cổ phần hóa... cho doanh nghiệp mình. Còn cá nhân, nhất là sau khi ly hôn, cần giữ bản chính bản án, quyết định cho ly hôn của tòa án đã có hiệu lực để xuất trình với cơ quan chức năng, để chứng minh với người yêu mới rằng mình đang độc thân, đủ điều kiện bước lên xe hoa lần nữa.

Từ năm 2007, Chính phủ đã ban hành nghị định 79/2007/NĐ-CP quy định giá trị pháp lý của việc chứng thực bản sao từ bản chính. Theo đó, "bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định của nghị định này có giá trị pháp lý thay cho bản chính trong các giao dịch".

Tại TP.HCM, trên trang web của mình, Sở Tư pháp cũng đã hướng dẫn khi làm thủ tục yêu cầu thi hành án, đương sự nộp bản chính bản án, quyết định của tòa án hoặc bản sao các văn bản này nhưng phải có dấu mộc đỏ sao y của tòa án. Đây là một hướng dẫn "dễ thở" hơn nhưng xét về mặt pháp lý có thể bị cơ quan khác "bắt giò", tranh cãi với lý do chưa chuẩn hoặc vượt luật.

Theo chúng tôi, việc quy định chấp nhận bản sao sẽ làm tăng trách nhiệm cần thiết của cán bộ thi hành án và của tòa án trong việc chuyển giao, quản lý bản chính bản án sang cơ quan thi hành án. Mặt khác, việc này còn góp phần ngăn ngừa tình trạng có đương sự nộp bản án, quyết định của tòa án đóng dấu "củ khoai" (bản án, quyết định giả) cho cơ quan thi hành án.


Người viết : Luật sư Nguyễn Bảo Trâm - Lệ Thu