LTS: Luật sư Nguyễn Bảo Trâm (Công ty Luật TNHH Sài Gòn Luật) nguyên là phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM trong nhiều năm. Bài viết dưới đây kể lại kỷ niệm về loạt bài điều tra góp phần tích cực trong việc thay đổi quy định về quản lý xác tử tội.
Tổng Biên tập Nam Đồng yêu cầu tôi phải viết "cho tới bến" chứ không dừng lại một kỳ như tôi đã thực hiện vào năm 1998 về việc trộm xác của tử tội Phạm Huy Phước, Lê Đức Cảnh trong vụ án Tamexco.
Tôi tìm hiểu thì được biết Năm Cam, Hữu Thịnh (cháu Năm Cam), Minh Bu, Lai Em, Hưng mi nhon (Nguyễn Việt Hưng) bị xử bắn cách đó khoảng hai tuần nhưng chỉ có xác Hưng mi nhon nằm lại đây, còn bốn xác kia gia đình đã lấy về sau khi tốn cho bọn trộm xác trên 200 triệu đồng. Trước đó, gia đình các tử tội Tăng Minh Phụng, Phạm Nhật Hồng bị xử bắn năm 2003 cũng đã bị làm tiền.
Tìm đến gia đình tử tội
Tôi đến nhà Tăng Minh Phụng. Người nhà của ông cho biết tốn 60 triệu đồng cho "quạ đen" mới mang được xác Minh Phụng ra khỏi pháp trường để đưa về Vũng Tàu an táng.
Cùng ngày, tôi tìm đến nhà gia đình Châu Phát Lai Em nhưng không gặp được ai. Hàng xóm của họ cho biết Lai Em đã được gia đình đưa từ pháp trường về nằm ở Nghĩa trang Gò Dưa.
Chiều 16-6-2004, tôi cùng phóng viên Quỳnh Như phóng xe trở lại pháp trường. Ba người đàn ông chạy xe máy đến, mặt mũi rất ngầu. Sau khi biết chúng tôi muốn thuê lấy xác người thân sắp bị tử hình, một người tên là Sáu Bông nhận giới thiệu cho chúng tôi gặp trùm trộm xác với tiền cò 200.000 đồng.
Sáng 17-6-2004, tôi đến nhà của Năm Cam ở quận 3 TP.HCM vào lúc gia đình đang cúng thất cho ông ta. Tôi mạo muội trình bày sơ về nạn trộm xác ở pháp trường với giá cắt cổ mà gia đình họ cũng là nạn nhân và tha thiết mong họ hợp tác. Ban đầu, một người nhà đã nặng lời và bảo tôi đi về. Mặc dù vậy tôi vẫn cứ nán lại, bình tĩnh, nhỏ nhẹ giải thích là báo Pháp Luật TP.HCM không có ý làm phiền gia đình và xúc phạm người quá cố, chỉ muốn góp phần cùng xã hội loại bỏ tình trạng làm tiền gia đình người chết và mong muốn pháp luật thay đổi theo hướng cho phép gia đình tử tội được mang xác về an táng. Do đó, báo cần sự hỗ trợ của nhiều người. Dường như thông cảm phần nào trước việc làm của báo như tôi giải thích, người nhà chịu tiếp chuyện và không phủ nhận việc nhờ người lén lấy xác người thân ra khỏi pháp trường.
Vào nhà trùm trộm xác
Hôm sau, nghe tin có một tử tội vừa bị thi hành án, chúng tôi chạy ra pháp trường. Dừng trước nấm mồ vừa đắp của tử tội tên M., nhà ở Gò Vấp, bị bắn lúc 6 giờ sáng, chúng tôi thấy bốn người đàn ông bặm trợn cũng đứng gần đó. Sau khi biết chúng tôi muốn nhờ lấy xác người thân, một người xưng là Thanh, nom giống sếp sòng nói: "Chị cho địa chỉ, điện thoại. Tụi tui làm chôn cất ở đây. Khi nào chôn xong sẽ liên lạc gia đình đến dàn xếp lấy xác. Giờ thì chưa bàn được". Sau chúng tôi mới biết Thanh chính là người "cai quản" băng trộm xác ở ấp Cái Tàu, phường Long Bình.
Lần gặp sau đó, sau khi nghe tôi trình bày nhà ở Bình Chánh, muốn lấy xác thằng em sắp bị tử hình đưa về quê an táng, một đàn em của Thanh "tiếp thị": "Vụ tử hình Năm Cam canh gắt lắm mà sáng bắn, tối bọn này đã móc được xác Năm Cam, hai xác còn lại thì ba ngày sau. Bọn này đã đưa xác về tận nơi người nhà muốn và còn chở đi vòng vòng Biên Hòa quay phim nữa. Tử tội loại thường như em của chị chôn xong chỉ một chốc là lấy lên được liền, miễn là chịu chi".
Suốt cuộc gặp, Thanh vặn vẹo vì sao chúng tôi lại biết thằng em sắp tử hình, vì sao biết cách mà liên hệ trước việc nhờ bốc xác. Thanh giải thích phải hỏi kỹ như thế để phòng ngừa vì đây là chuyện phạm pháp, lỡ chúng tôi là nhà báo thì sao (!?).
Thanh giải thích "quy trình" trộm xác. Theo đó, khi tử tội bị tử hình xong, nhóm của Thanh lãnh công việc chôn cất tại chỗ và được cơ quan công an bồi dưỡng. Sau đó họ liên hệ với thân nhân để thỏa thuận chuyện bốc xác lên, tắm rửa, thay đồ, tẩn liệm rồi chở quan tài ra khỏi pháp trường, đem về nơi muốn an táng. Về giá cả, Thanh báo giá: "Nếu bốc lên, tắm rửa, bỏ vào quan tài do gia đình tự mua và chở về Bình Chánh phải 40 triệu đồng. Nếu tôi bao luôn quan tài và huyệt tại chùa Thanh Sơn gần đây thì 50 triệu đồng". Thanh cho biết chỉ mình xác Năm Cam đưa về tới nhà đã là 75 triệu đồng, thêm Thịnh là 140 triệu đồng. Còn xác Lai Em đem qua Gò Dưa phải chi 55 triệu đồng, cộng với Phạm Văn Minh chôn ở chùa Thanh Sơn là trên 200 triệu đồng.
Đang nói một mạch, Thanh đột ngột dừng lại. Bỗng chốc tôi lạnh cả người khi thấy Thanh cùng ba người đàn ông ngồi quanh im lặng, chăm chú nhìn vào tôi. "Hay là họ phát hiện thấy đèn đỏ máy ghi âm tôi đeo ở ngực phát sáng? Hay là dây máy lộ ra ngoài? Sao lại vậy được vì mình mặc áo sơ mi vải jean và cài dây máy kỹ mà? Bình tĩnh! Nếu có bị đánh, bị giằng áo cũng phải bảo vệ được máy và tìm cách chạy ra cửa!". Vừa cố vẻ thản nhiên tôi vừa toan tính như thế. Tôi vào nhà vệ sinh kiểm tra lại máy móc nhưng không có vấn đề gì. Tôi tự tin ra chỗ cũ ngồi và cùng phóng viên Thanh Tâm năn nỉ, kể khổ, rồi "xin bớt giá". Cuối cùng, Thanh ra giá đầy "tình cảm" là 45 triệu đồng. Anh ta giải thích "giá sàn" như vậy là do phải chi phí cho công an phường, phường đội…
Gặp nhà chức trách
Hôm sau, tôi đến UBND phường Long Bình để gặp chủ tịch và trưởng công an. Công an chỉ sang Ủy ban. Ủy ban hẹn lại hôm khác. Cuối cùng tôi cũng đã phỏng vấn được chủ tịch phường. Theo ông chủ tịch thì địa phương không có thông tin về việc trộm xác tử tội giá cao và vì không có quy định nên phường không biết dựa vào đâu để quản lý pháp trường. Ông cho biết nếu phát hiện có chuyện trộm xác thì báo công an quận nhưng e rằng không xử lý được vì không có quy định.
Sau đó, tôi phỏng vấn Chánh án TAND TP.HCM Bùi Hoàng Danh. Ông Danh cho biết có nghe nói đến nạn trộm xác tử tội và vấn đề này đã được trong ngành xới lên từ năm 1994 nhưng chưa được xem xét, giải quyết thấu đáo. Ông Danh ủng hộ việc cần xóa bỏ quy định phải chôn và quản lý tất cả xác tử tội nơi pháp trường vì điều này đã lạc hậu.
Sau khi nghiên cứu, chỉ ra những bất cập của pháp luật liên quan đến pháp trường và xác tử tội, cũng như đưa ra kiến nghị, chúng tôi hoàn tất bài cuối phóng sự điều tra này.
Quy định mới đã "chào đời"
|
|
Ngày 23, 25 và 27-8-2004, báo Pháp Luật TP.HCM đăng loạt phóng sự điều tra về nạn trộm xác ở pháp trường. Sau đó, Ủy ban Pháp luật Quốc hội, HĐND TP.HCM, Công an TP.HCM kiến nghị các cơ quan chức năng, trung ương giải quyết vấn đề báo đặt ra. Tổng cục Cảnh sát đã giao cho Công an TP.HCM làm rõ những vấn đề báo nêu. Thủ tướng cũng yêu cầu chấn chỉnh tình trạng này.
Trung tướng Nguyễn Việt Thành - bấy giờ là phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát có thư đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của báo và phóng viên, đồng thời cho biết sẽ làm rõ dư luận về nạn bảo kê ở khu chôn xác tử tội. Ông cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Công an để phối hợp cùng TAND Tối cao, VKSND Tối cao bàn bạc, kiến nghị lên trên.
Ngày 17-6-2010, Quốc hội đã ban hành Luật Thi hành án hình sự, trong đó có quy định về việc giải quyết cho thân nhân nhận tử thi, hài cốt của tử tội; về trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc bảo quản tử thi, tổ chức mai táng, quản lý mộ người đã bị thi hành án...
Cả tập thể báo nói chung và cá nhân tôi nói riêng rất sung sướng vì loạt phóng sự điều tra trên - một công trình tập thể với sự giúp sức của nhiều người trong và ngoài báo đã được dư luận, cơ quan chức năng đồng tình, ủng hộ. Điều quan trọng nữa, đây là một trong những cơ sở quan trọng góp phần hối thúc các cơ quan chức năng trong việc có giải pháp để khai tử quy định cũ kỹ từ năm 1974 (thời chiến tranh) là tất cả xác tử tội phải chôn ở pháp trường, không cho thân nhân xin xác về an táng.
|
Luật sư Nguyễn Bảo Trâm (Công ty luật TNHH Sài Gòn Luật)